Nhật ký của một tour guide

 

Một ngày đẹp trời, hòm thư của đội Truyền thông Fargreen nhận được một email có tiêu đề “Visit and/or farm tour” (“Đến thăm và/hoặc tham quan nông trại”). Và sau đó 1 tháng, chúng tôi tiếp đón một vị khách đặc biệt đến với nông trại của Fargreen tại Thái Bình. Tôi được cắt cử đi dẫn tour lần này.

Bác Terry Jones, vị khách của chúng tôi, là một cựu chiến binh Mỹ lớn tuổi đã từng tham chiến tại Việt Nam những năm 1968, 1969. Bác có nụ cười hồn hậu và giọng nói trầm ấm, khiến bạn liên tưởng đến hình ảnh một ông bác tốt bụng đến mức sẽ có thể làm hư cháu bằng kẹo ngọt bất chấp sự ngăn cản của mẹ đứa trẻ. Trên đường đi, bác và tôi nói chuyện rôm rả lắm, con đường từ Hà Nội về tới Thái Bình dường như ngắn lại.

“Bác thích Việt Nam lắm, thích cả cảnh vật lẫn con người, từ ngày còn chiến tranh, bác có quen người Việt, bác rất thích họ, nên lúc đó bác đã nghĩ kiểu gì cũng sẽ quay lại đây.” Tôi hỏi, “Vậy hẳn là bác biết nói tiếng Việt chứ ạ?” Bác chớp chớp mắt “Biết chứ. Toàn bộ vốn tiếng Việt của bác là ‘đi đi mau’, ‘đứng lại’, ‘hòa bình’, và ‘một, hai, ba,... mười’. Haha…”

Cứ thế, chúng tôi tới nông trại đã tầm 11h trưa. Đội sản xuất vẫn đang tất bật làm việc, vừa thấy chúng tôi đến, mọi người niềm nở mời nước và hoa quả. Em Cúc, trợ lý sản xuất, được phân công hỗ trợ tôi dẫn tour lần này. Cúc và tôi thay nhau giới thiệu với bác Terry về ý nghĩa logo Fargreen, về 7 giá trị cốt lõi của công ty. Thỉnh thoảng bác lại đặt câu hỏi như là “Thị trường chủ yếu của các sản phẩm là gì?”, “Mọi người có định trồng thêm các loại nấm khác không?”... Hóa ra, bác ấy cũng có một công ty về nông nghiệp tại Mỹ, và thế là, bác với Trang, CEO đồng thời là nhà sáng lập của Fargreen đã tiếp tục cuộc nói chuyện bằng những mẩu chuyện nho nhỏ về kinh doanh, về chiến lược hoạt động,...

IMG_5298.JPG

Một trong những mục đích chính của các chuyến tham quan nông trại là để giúp cho các vị khách của chúng tôi hiểu hơn về cách chúng tôi nuôi trồng nấm tại Fargreen. Chúng tôi dẫn bác Terry ra khu ngâm ủ nguyên liệu. Tại đây đã có sẵn đống rơm đang ủ, sờ vào nóng hầm hập, bác thắc mắc rằng tại sao lại để ngoài trời thế này, mưa gió thì làm thế nào, tại sao lại có cái gậy ở giữa đống ủ. Chúng tôi rất vui vì bác đặt nhiều câu hỏi, điều đó chứng tỏ bác rất quan tâm đến quy trình sản xuất của Fargreen. Thực ra, lúc đó chúng tôi quên mất là trước khi chúng tôi bắt đầu đi tìm hiểu quy trình, bạn Trang đã nói với bác ấy rằng, kết thúc tour, bác sẽ phải làm bài kiểm tra kiến thức. Bác nghe vậy thì lo lắng lắm, có lẽ đó là lý do mà bác tích cực đặt câu hỏi chăng? Còn đối với chúng tôi, chúng tôi thực sự rất trân trọng những cơ hội như thế này, được lắng nghe những câu hỏi từ người ngoài cuộc, để có thể hiểu hơn về chính mình và cải tiến hệ thống được tốt hơn.

Vị khách của chúng tôi tại khu ngâm ủ rơm

Vị khách của chúng tôi tại khu ngâm ủ rơm

Trời thực sự rất đẹp, hứng thú của khách tham quan thì rất lớn, khí thế của tour guide lại càng cao, chúng tôi thậm chí có thể đi tham quan toàn bộ ngay lập tức. Tuy vậy, sau khi vào thăm khu nuôi cấy nấm của Fargreen, giải đáp mọi thắc mắc của bác về việc khi nào thì có thể gỡ bao ra khỏi thùng, tại sao sàn lại ướt như vậy, thì cũng đã tới giờ ăn trưa. Cả đoàn 3 người cùng với bạn Trang, bác Sim (quản lý mạng lưới hộ dân) cùng nhau tới nhà một hộ dân Fargreen để thưởng thức bữa trưa ngon lành cây nhà lá vườn. Bác dùng đũa không thạo, phải chuyển sang thìa. Chúng tôi chợt thấy mình sơ xuất quá, không chuẩn bị dĩa cho bác từ trước, lần sau phải chú ý hơn mới được.

Sau khi ăn uống, nghỉ ngơi, chúng tôi lại tiếp tục hành trình tham quan các nhà nấm. Chúng tôi đến nhà trồng nấm rơm, vị khách của chúng tôi thắc mắc “Những sợi trắng trắng trên rơm này có phải là hệ sợi đang lên không? Như thế này là sắp có nấm rồi à?” Chúng tôi chúc mừng bác đã nhớ được thuật ngữ chuyên ngành nấm. Bác hỏi lại “Thuộc bài vậy rồi chắc là sẽ qua được bài kiểm tra chứ hả?” Chúng tôi cười ha hả “Cái này chúng cháu không quyết được.”

Rồi đến nhà trồng nấm sò, nấm mỡ, chúng tôi không những nhận được những câu hỏi từ bác Terry, mà còn nhận được nhiều góp ý rất hữu ích phục vụ cho những buổi tham quan sau này. Chúng tôi thực sự rất trân trọng những quan sát, để ý, và góp ý chân thành của bác.

Bài kiểm tra của CEO đã không diễn ra như lo sợ của bác. Thay vào đó, chúng tôi cùng nhau ngồi lại liệt kê những điều mà bác cảm thấy học hỏi được từ chuyến tham quan, những điều bác chưa hài lòng, để chúng tôi cải thiện. Có thể nói, chúng tôi cũng học hỏi được rất nhiều điều từ bác.

Tới thăm nhà trồng nấm sò của chị Trần Thị Hằng

Tới thăm nhà trồng nấm sò của chị Trần Thị Hằng

“Đây là lần thứ mấy bác sang Việt Nam kể từ sau chiến tranh?”, tôi hỏi bác trên đường chúng tôi quay lại Hà Nội. Bác hồ hởi, “Từ năm 2010, bác đã quay lại Việt Nam rồi, sau đó lâu lâu bác lại sang, chắc 4, 5 lần gì đó. Mà nhé, lần đầu tiên sang, bác cũng ngại lắm, cứ sợ mọi người sẽ ghét mình khi biết mình là cựu binh Mỹ. Ấy thế mà, chẳng ai tỏ thái độ thù hằn gì hết, ai cũng vui vẻ và niềm nở. Bác xúc động lắm.”

Tôi bật cười vì sự hào hứng của bác “Vâng, quá khứ là quá khứ mà bác. Bố cháu cũng là cựu chiến binh, nhưng hôm trước nghe cháu kể sẽ dẫn tour cho bác thì ngạc nhiên lắm, nhắn cháu mời bác về nhà để gặp người bên kia chiến tuyến một thời.”

Kết thúc chuyến đi là lời hứa của bác với tôi rằng sau khi bác kết thúc các hoạt động từ thiện tại Quảng Ngãi trở về, sẽ đến nhà tôi hàn huyên cùng bố...